logo-e
We are the leading service provider in Vietnam in the field of NETWORK EQUIPMENT
Tin tổng hợp Mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thay đổi cách nhìn

Mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thay đổi cách nhìn

There are no translations available.

Tư duy thành lập khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) chủ yếu giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất kinh doanh đã được xem xét lại. Các KCN, CCN đang phát triển tràn lan tại các địa phương nhưng hiệu quả kinh tế còn nhiều hạn chế.

Theo các quy định hiện hành, cứ trên 50 ha được gọi là KCN (do Bộ KH-ĐT quản lý), còn dưới 50 ha là CCN (do Bộ Công Thương quản lý). Số liệu gần đây nhất của hai bộ trên cho thấy, cả nước đến nay có 260 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 72.000 ha. Trong đó, tỉ lệ lấp đầy tại các KCN mới đạt 60%. Số lượng các CCN là 1.872, trong đó có 918 CCN đã được thành lập và đang hoạt động với diện tích đất tương đương hơn 40.500 ha. Tỉ lệ lấp đầy tại các CCN thì chỉ đạt 26%.

Bản chất của sự lãng phí

Nếu nói, khu, CCN chưa lấp đầy mới là xét ở góc độ lãng phí đất đai. Điều này vẫn chưa thể hiện được bản chất của sự lãng phí. Nhìn nhận như vậy mới chỉ đánh giá khu, CCN trong vai trò giải quyết mặt bằng sản xuất kinh doanh. Theo ông Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, quan niệm cứ xây tường bao rồi mời gọi, tập trung các DN vào lại một khu vực sẽ thành được KCN, CCN là một sai lầm. Chúng ta phải nhìn KCN, CCN trong một mạng sản xuất, chuỗi giá trị. Ở đó, các DN có thể liên kết sản xuất kinh doanh với thị trường, liên kết cả về mặt thể chế.

Mặc dù, những thành tựu về mặt kinh tế, chính trị, xã hội của hơn 20 năm đổi mới cũng có phần đóng góp rất đáng kể của các KCN, CCN. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Hào – Tổ phó Tổ Biên tập Đề án “Phát triển KCN, CCN gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”, hiện các KCN, CCN phát triển tràn lan, dàn trải thiếu quy hoạch, thiếu chiến lược hữu hiệu. Mặt khác, quá trình thực hiện xây dựng các KCN, CCN diễn ra rất chậm chạp. Sự phát triển các KCN, CCN vẫn còn thiếu bền vững do chưa tạo ra giá trị gia tăng cao, vẫn còn gây nên một số tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường đối với khu vực dân cư liên quan. Mối liên hệ còn lỏng lẻo, ít có tác động liên kết đối với các DN trong và ngoài KCN, CCN.

Theo đánh giá của các chuyên gia thì trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế bền vững của VN có thể bị đe dọa bởi năng lực cạnh tranh yếu kém và hầu như không được cải thiện trong những năm gần đây. Trong khi đó, lợi thế so sánh của đất nước như tài nguyên thiên nhiên, nhân công giá rẻ đang dần cạn kiệt. “Dư địa” tăng đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng không còn nhiều và nếu tiếp tục tăng có thể kéo theo nhiều rủi ro kinh tế vĩ mô khôn lường.

Mô hình cụm liên kết ngành

Trong một vài thập niên gần đây, một công cụ chính sách quan trọng trên thế giới được sử dụng ngày càng rộng rãi là cụm liên kết ngành (CLKN). Thực tiễn thế giới cho thấy, việc phát triển một mạng lưới CLKN hữu hiệu sẽ tạo điều kiện giúp tăng năng lực cạnh tranh. Điển hình là sự gần kề về địa lý tạo ra lợi thế kinh tế nhờ quy mô, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin và các nguồn lực khác.

Ông Patrik Gilabert - Trưởng văn phòng đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại VN cho rằng, VN không nên chỉ hình thành KCN, CCN mà còn hình thành CLKN. CLKN giúp DN đạt được mục đích cuối cùng là có được lợi ích cốt lõi về cạnh tranh tạo ra nhờ quy mô tập trung, dân cư và đô thị phát triển. Điều quyết định thành công của các nhà sản xuất và xuất khẩu VN trong quá trình tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu là họ phải nỗ lực tiến hành nâng cấp các khâu để từng bước chuyển từ nhà sản xuất gia công, không tên tuổi thành nhà sản xuất có thương hiệu riêng, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu bằng chất lượng và tạo giá trị gia tăng cao hơn.

Thực tế, qua kiểm chứng, sự lớn mạnh của một CLKN thường kéo theo sự gia tăng và phát triển của các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Các DNNVV trong hoạt động công nghiệp hỗ trợ sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, thị trường đầu tư và dây chuyền công nghệ hiện đại.

Việc tạm dừng cấp phép thành lập các mô hình KCN, CCN kiểu cũ cũng phải gắn với một mô hình CLKN mới ra đời. Chính phủ vừa giao Bộ KH-ĐT, Bộ giao cho Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xây dựng Đề án “Phát triển KCN, CCN gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng sản xuất và hình thành chuỗi giá trị”. Đề án sẽ đúc rút những hạn chế của các mô hình trước. Đồng thời, mô hình CLKN mới cũng phải cắn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, căn cứ vào năng lực quản trị, năng lực thực thi của các cơ quan, chính quyền cơ sở...

Cẩn trọng xây dựng chính sách mới

Các chuyên gia cũng cảnh báo, trên thế giới, việc phát triển các CLKN không phải lúc nào cũng thành công mà thực tế cũng gặp rất nhiều thất bại. Do đó, mô hình CLKN mới cũng phải trải qua những giai đoạn như xây dựng thí điểm các mô hình, các chính sách hỗ trợ khác nhau...

Theo ông Võ Trí Thành, CLKN ở VN hiện mới đang trong giai đoạn manh nha hình thành và phát triển một cách tự nhiên. Thí dụ như các làng nghề truyền thống là một dạng CLKN sơ khai và trường tồn với thời gian. Các khu phố nghề của Hà Nội cũng là hình thức sơ khai của CLKN về sản xuất, thương mại. Lớn hơn một chút là các mô hình KCN, CCN điện tử, cơ khí tại Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương...

Mối liên kết của các DN không chỉ là vấn đề cạnh tranh. Các DN trong CLKN phải là những DN cung cấp sản phẩm dịch vụ cho nhau. Sản phẩm đầu ra của DN này có thể là đầu vào của một DN khác hoặc cùng nhau tham gia sản xuất một mặt hàng, một lĩnh vực... Mối liên kết ở đây là thân thiện và hiệu quả. Các DN sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin, cùng nhau đặt hàng cả về sản phẩm và đào tạo. Những chi phí về vận tải, xử lý môi trường... sẽ được tiết giảm ở mức thấp nhất có thể. Các CLKN cũng phải tạo dần mỗi liên kết với nhau. Với những mô hình như vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cũng rất dễ dàng trong việc hỗ trợ, tương tác chính sách.

Đối với những KCN, CCN kiểu cũ cũng sẽ phải đưa ra những giải pháp xử lý một cách hiệu quả nhất có thể. Chắc chắn muốn xử lý thì phải chấp nhận tổn thất, nhưng làm sao hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại cho các DN và nhà nước. Chúng ta phải thừa nhận những thất bại về mặt chính sách. Thực tế, ai cũng có thể gặp thất bại. DN có thể gặp thất bại khi tung ra những sản phẩm mà không lường hết được các yếu tố của thị trường. Chính sách nhà nước cũng vậy, hiệu quả của các mục tiêu về kinh tế, chính trị... chưa chắc đã đạt được như kỳ vọng, thậm chí có thể gây lãng phí hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Nhưng vấn đề là chúng ta sớm nhận ra và sửa chữa những sai lầm, hạn chế đó.

 Baocongthuong


Newer news items:
Older news items: