logo
Chúng Tôi Là Nhà Nhập Khẩu Và Phân Phối Thiết Bị Omron,Yaskawa ,Sinee,Toshiba,Siemens Tại Việt Nam !
Tin tổng hợp Sản xuất công nghiệp: Thách thức ngay từ đầu năm

Sản xuất công nghiệp: Thách thức ngay từ đầu năm

Thách thức với hoạt động sản xuất công nghiệp đã xuất hiện ngay từ tháng đầu năm, khi người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu.

 

Đánh giá của Bộ Công thương tại Họp báo về hoạt động của ngành công thương trong tháng 1/2012 cho hay, việc người dân chi tiêu chặt chẽ hơn, ngay cả với các loại hàng tiêu dùng thiết yếu, cùng những khó khăn của kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất công nghiệp ngay tháng đầu tiên của năm nay.

Biểu hiện rõ nhất là nhiều mặt hàng tiêu dùng được chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán có lượng tồn kho lớn. Các mặt hàng sản xuất công nghiệp khác cũng trong tình trạng thấp thỏm lo tiêu thụ.

Đơn cử như ngành thép, sản lượng sản xuất vẫn đạt 502.000 tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ, nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành chỉ hoạt động 80% công suất. Việc thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu xây dựng chưa có tín hiệu khả quan và việc cắt giảm đầu tư công được thực hiện nghiêm túc tiếp tục là bài toán khó cho các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có thép.

Với các mặt hàng ô tô, xe máy, dù là tháng tiêu thụ nóng để đón Tết, nhưng do chi phí để sở hữu một chiếc xe tăng mạnh khi các loại thuế và phí tăng, tình hình bán hàng trong tháng 1/2012 giảm mạnh. Ông Laurent Charpentier, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho hay, lượng tiêu thụ ô tô tháng 1/2012 chỉ gần bằng 50% so với tháng 12/2011 cho thấy thị trường thực sự khó khăn.

Một lĩnh vực khác là điện tử, điện máy được kỳ vọng tiêu thụ tốt trong mùa Tết nhưng cũng kém sôi động. Dù giảm giá mạnh và khuyến mãi lớn, nhưng sản xuất tủ lạnh, tủ đá giảm 34,8%; điều hòa nhiệt độ giảm tới 76,8% so với cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 1/2012 giảm 12,9% so với tháng 12/2011, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy  được lý giải là có nguyên nhân từ kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhưng thực tế nhiều mặt hàng tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng cũng cho thấy thách thức không nhỏ của những tháng còn lại trong năm 2012.

Thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Hải Phòng trên báo chí vài ngày gần đây cho thấy, một số doanh nghiệp lớn trong ngành da giày như Công ty TNHH Đỉnh Vàng và Sao Vàng phải ngừng một số bộ phận sản xuất. Một số doanh nghiệp đóng tàu cũng lâm vào tình trạng tương tự như Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Tam Bạc, Công ty Công nghiệp tàu thủy Thanh Long.

Không chỉ khó khăn trong nước, ở thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp đang phải nỗ lực lớn để tìm đơn hàng. Theo Bộ Công thương, sản xuất nguyên liệu vải gần đây có xu hướng giảm do ảnh hưởng của đơn hàng xuất khẩu dệt may giảm, bên cạnh tiêu dùng trong nước giảm. Hiện chỉ khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý II và quý IV, trong khi cùng kỳ năm trước hầu hết doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến quý II.

Ông Lê Hồng Phoa, Tổng giám đốc Công ty May mặc Bình Dương cho biết, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội Dệt may Bình Dương mới có đơn hàng hết quý I. Do sức tiêu thụ của thị trường châu Âu giảm sút mạnh, nên doanh nghiệp sẽ phải đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc để bù lại.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước tháng 1 đạt 6,5 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái được lý giải là do lượng giảm, bởi so với tháng 2/2011 (cũng là tháng Tết có số ngày nghỉ dài), kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2012 vẫn tăng 31,8%, nhưng cũng phải nhìn vào thực tế là lượng xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng mạnh, tập trung vào hàng điện thoại các loại và linh kiện, gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Thống kê của Bộ Công thương cũng cho thấy, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tháng 1/2012 vẫn tốt,  nên nhập khẩu của khu vực này tăng tới 30,3%, trong khi nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm 9,7%.

Nhập siêu tháng 1/2012 là 100 triệu USD, bằng 1,54% kim ngạch xuất khẩu, được Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải đánh giá là rất triển vọng, bởi “thấp nhất nhiều tháng qua”, nhưng cũng không thể bỏ qua việc nhóm hàng hạn chế nhập khẩu (điện thoại, xe máy nguyên chiếc...) lại tăng mạnh, tới 90,5% so với tháng Tết năm 2011 (tháng 2/2011).

Baocongthuong


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: