logo-e
We are the leading service provider in Vietnam in the field of NETWORK EQUIPMENT
Tin tổng hợp Dấu ấn của VCCA 2011

Dấu ấn của VCCA 2011

There are no translations available.

Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa (VCCA-2011) đã diễn ra tại Hà Nội trong hai  ngày (25-26/11/2011) với sự tham dự của 390 GS,PGS,TS,Ths,Ks từ mọi miền của đất nước, trong đó có một số nhà khoa học làm việc ở nước ngoài.

 Lãnh đạo các Bộ Công Thương, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đến dự và phát biểu với hội nghị.

Tại phiên họp bế mạc, lễ tổng kết và trao giải thưởng cho các tác giả có báo cáo hay nhất được tiến hành trang trọng với đông đủ các đại biểu. Thành công của hội nghị thể hiện bằng các kết quả sau:
Từ những dấu ấn nêu trên, có thể  kết luận:

* Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa VCCA-2011 được tổ chức để đáp ứng yêu cầu thực tế của hoạt động KHCN chuyên ngành phục vụ quá trình CNH - HĐH (phải có tổng kết, đánh giá, định hướng hoạt động); là nơi ghi nhận các kết quả nghiên cứu hoặc ứng dụng của các tác giả một cách khách quan, công bằng và công khai hóa ở cấp độ toàn quốc. Các VCCA sau này cần định kỳ tổ chức (đa số các đại biểu dự hội nghị cho rằng nên 2 năm/1 lần là thích hợp).

* Lực lượng nghiên cứu KHCN Tự động hóa - Đo lường - Điều khiển nước ta có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng ở hầu hết các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đời sống xã hội, an ninh, quốc phòng,…đặc biệt lực lượng trẻ khá đông, thông minh và năng động; họ cần được tạo điều kiện để đóng góp cho ngành Tự động hóa - Đo lường - Điều khiển nước nhà.

* Với khối lượng báo cáo khoa học 191 bài, thời gian phản biện thực sự chỉ có khoảng 3 tháng, Hội đồng phản biện đã thực hiện 382 lần phản biện độc lập kín thông qua công cụ Internet  (sử dụng mang quốc tế  easychair.com), đó là cách làm chuẩn mực và hiệu quả cao, không tốn kém giấy bút, không cần tổ chức các cuộc họp hội đồng phản biện theo kiểu cổ điển, tiết kiệm thời gian và công sức cho cả tác giả và Hội đồng phản biện,… Chắc chắn rằng từ hội nghị VCCA-2011 và các hội nghị VCCA sau này sẽ sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức

* VCCA-2011 mang lại lợi ích trực tiếp cho chính các tác giả, cho các tổ chức KHCN và các doanh nghiệp liên quan, nên mọi người, mọi tổ chức tham gia đều có nghĩa vụ đóng góp kinh phí cho hội nghị. Các VCCA sau này chắc chắn  phải tạo nguồn kinh phí theo nguyên tắc nghĩa vụ và quyền lợi đi đôi với nhau. Loại bỏ tư duy ỷ lại vào ngân sách Nhà nước.

* VCCA-2011 thành công là nhờ vào lòng nhiệt tình và năng lực của những người tham gia trong Ban tổ chức, Ban chương trình, Ban thư ký và nhiều cán bộ nhân viên của các cơ quan đồng tổ chức.

* Nhân dịp này thay mặt ban tổ chức VCCA-2011, Hội Tự động hóa Việt Nam xin chân thành cảm ơn các cá nhân và tổ chức đã ủng hộ về tinh thần và vật chất, đặc biệt các tác giả có báo cáo đã góp phần tạo nên sự thành công tốt đẹp của hội nghị.

1.   Tổng số đại biểu tham dự:                                                390

2.   Tổng số báo cáo khoa học gửi tham dự hội nghị:                191

3.   Số báo cáo được trình bày tại hội nghị:                              135

4.   Số báo cáo mời:                                                               02

5.   Tổng số chủ đề báo cáo khoa học:                                     46

6.   Tổng số tác giả có tên trong 191 báo cáo:                          312

7.   Tác giả nước ngoài có bài cho hội nghị:                             11

8.   Tổng số lượt phản biện báo cáo độc lập:                           382

9.   Tổng số báo cáo bị loại:                                                   56

10. Số tiểu ban chuyên đề tại hội nghị:                                   17

11. Tổng số phiên họp báo cáo:                                             24

12. Số báo cáo khoa học hay nhất được trao giải:     02 (01giải Nhất,

01 giải Nhì)

13. Bình quân số câu hỏi cho một báo cáo:                            2,3

14. Số người dự tại mỗi tiểu ban (min.- max.)                        20-35

15. Số các nhà khoa học trẻ tham dự hội nghị:                     70%

16. Sỗ đại biểu dự lễ bế mạc và trao giải:                  trên 200 người

17. Số bài báo bị đình chỉ do thiếu trung thực khoa học:        01

Phạm ngọc Thăng
Phó Chủ tịch/Tổng Thư ký/Trưởng Ban Tổ chức VCCA-2011

Hẹn gặp lại VCCA - 2013 !

Sau 2 ngày diễn ra, VCCA 2011 đã kết thúc tốt đẹp. Với hy vọng giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh hơn về VCCA 2011, Tự động hóa ngày nay trân trọng giới thiệu ý kiến của một số đại biểu cùng  những hình ảnh về lần Hội nghị đầu tiên này.


TS. Phạm Văn Tân-Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam:

vica1Liên hiệp Hội đánh giá cao những hoạt động của Hội Tự động hoá Việt Nam trong thời gian gần đây, đã có nhiều hoạt động đóng góp cho ngành Tự động hóa của nước ta. Điển hình trong năm nay là Hội nghị VCCA 2011. Chỉ trong thời gian ngắn chuẩn bị nhưng hội nghị đã thu hút được nhiều báo cáo, thu hút được nhiều nhà khoa học tham gia. Một điểm đáng ghi nhận là VCCA 2011 được thực hiện theo hướng xã hội hoá, không trông chờ vào sự tài trợ của Nhà nước, chủ động tìm kinh phí, nguồn lực để tổ chức. Đây là việc quan trọng nhằm xã hội hoá KHCN và tạo điều kiện để cho các nhà khoa học tổ chức diễn đàn trong lĩnh vực Tự động hóa đóng góp tích cực vào định hướng cho giai đoạn tới. Sự kiện này cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc cố gắng gắn kết giữa cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp để thúc đẩy lĩnh vực Tự động hóa của Việt Nam phát triển.


 

PGS.TSKH.Phạm Thượng Cát - Viện CNTT, Trưởng ban Chương trình VCCA-2011

 

vica2Hội nghị VCCA-2011 đã thành công tốt đẹp với khoảng 400 đại biểu (đủ cả 3 miền trên toàn quốc) tới tham dự Lễ khai mạc và các buổi thảo luận ở 17 tiểu ban. Đặc biệt mảng Điều khiển học có 8 tiểu ban và mảng Công nghệ Tự động hóa có 9 tiểu ban. Ta có thể  thấy các vấn đề khoa học mà cộng đồng các chuyên gia về Điều khiển học và Tự động hóa nước nhà đang quan tâm là rất phong phú. Không khí thảo luận ở các phiên họp rất sôi động như ở các phiên Lý thuyết điều khiển tự động, Điều khiển động cơ, Điều khiển xe tự hành và robot di động, Điều khiển điện tử công suất, Điều khiển các quá trình công nghệ. Nổi bật tại VCCA-2011 có một phiên chuyên đề về “Điều khiển các phương tiện hàng hải” của Trường Đại học Tasmania, Úc với 6 báo cáo trình bày về các phương pháp mô hình hóa, mô phỏng và điều khiển các phương tiện trên biển, các robot ngầm dưới biển. Thảo luận ở phiên chuyên đề này mở ra nhiều hướng họp tác nghiên cứu với các trường đại học ở Úc về lĩnh vực điều khiển hàng hải ở biển Đông.

Mặc dù là Hội nghị khoa học đầu tiên do Hội Tự động hóa Việt Nam tổ chức nhưng với sự nhất trí cao độ của các lãnh đạo chủ chốt của Hội, sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng các chuyên gia về Điều khiển và Tự động hóa của Việt Nam, sự tài trợ kinh phí của đông đảo các doanh nghiệp và việc áp dụng công nghệ tổ chức hội nghị khoa học tiên tiến của thế giới nên Hội nghị VCCA-2011 đã thành công tốt đẹp vượt quá sự mong đợi ban đầu của Ban tổ chức.

Chúng tôi hy vọng rằng Hội nghị VCCA-2011và các Hội nghị VCCA tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức hai năm một lần luân phiên ở ba miền Bắc - Trung - Nam của đất nước sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác, nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và là cầu nối hiệu quả giữa ba nhà “khoa học, giáo dục và sản xuất kinh doanh” trong lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa ở Việt Nam, đồng thời tạo ra cơ hội mới để mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ.

vica3PGS.TS.Lê Tòng - Nguyên là cán bộ giảng dạy Trường ĐH Giao thông Vận tải hà nội

So với tạp chí chuyên ngành hay các phương tiện truyền thông khác thì lượng thông tin truyền đạt trong hội nghị chưa sâu rộng bằng. Tuy nhiên, so với nhiều hội nghị khoa học hiện nay và trước đây thì cách thức tổ chức hội nghị VCCA 2011 rất khoa học và chuyên nghiệp do được CNTT hỗ trợ. Tôi có tham gia phản biện báo cáo thấy chất lượng báo cáo tốt. Trong lĩnh vực tôi tham gia thấy có hai mảng là lý thuyết điều khiển và thiết bị chấp hành, thiết bị điều khiển, đặc biệt là thiết bị chấp hành được nói đến nhiều gồm điện tử công suất và truyền động điện, chứng tỏ các nhà khoa học cũng đang quan tâm nhiều đến lĩnh vực này và theo sát  nhu cầu của thực tế. Tôi hy vọng với cách tổ chức càng ngày càng tốt lên, thời gian nhiều hơn và đội ngũ tổ chức có thêm nhiều hơn nữa, VCCA sẽ thu hút được nhiều người tham gia hơn nữa. Để xứng tầm với diễn đàn khoa học sâu và rộng, những hội nghị tiếp theo các báo cáo nên được nâng lên cấp mới ví dụ được tính điểm khoa học cho các công trình. Ngoài ra, Ban tổ chức nên tăng cường các gian hàng triển lãm để cho các công ty biết đến và khai thác thông tin, không gian xung quanh hội nghị cũng sôi nổi và làm cầu nối tốt cho các nhà khoa học và doanh nghiệp.

 

vica4PGS.TS. ĐINH VĂN NHÃ - ĐH Bách Khoa Hà Nội

 

Tôi đánh giá đây là hội nghị khoa học cấp quốc gia tổ chức rất thành công, các báo cáo chất lượng, được đánh giá tốt ở hầu hết các phân ban, hơn 200 bài báo được tuyển chọn nghiêm túc, áp dụng công nghệ mới của Easy Chair điều khiển theo cánh làm của quốc tế rất khoa học. Các nhà khoa học tham gia cũng rất tích cực. Ngay ở phân ban tôi phản biện là phân ban Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đến giờ chót vẫn có đến trên 50 người tham gia phát biểu ý kiến rất hăng say. Hiếm có hội nghị khoa nào lớn mà có nhiều nhà khoa học đầu ngành kể cả trong nghiên cứu lý thuyết lẫn nghiên  cứu ứng dụng  tham gia như VCCA 2011. Thành phần NCS, SV tham gia cũng rất đông. Có thể nói VCCA 2011 rất thành công về mặt tổ chức.

Nhiều công trình là kết quả đề tài cấp Nhà nước mới nhất cũng đã được công bố, ví dụ đề tài ứng dụng GPS trong điều khiển giám sát có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, vấn đề điều khiển tàu biển đã được NCS Nguyễn Đức Hùng (ĐH Tamania-Úc) báo cáo có nhiều ý tưởng có thể ứng dụng tại Việt Nam không chỉ trong ngành công nghiệp tàu thủy mà còn ứng dụng điều khiển trong nhiều ứng dụng khác. Đây là kết  nối rất tốt. Hay một loạt các công trình nghiên cứu về tự động hóa tối ưu và các hệ thông thông minh.

Nhìn lại các phân ban có thể nói VCCA 2011 là một sự cố gắng rất lớn của các nhà khoa học, là sự đáp trả khao khát của các nhà khoa học sau 6 năm không có hội nghị khoa học nào có quy mô lớn về lĩnh vực này. Tôi tin tưởng các nhà khoa họcViệt Nam với hăng say thảo luận trong mấy hôm nay sẽ đem lại hào khí mới cho họ về lĩnh vực Tự động hóa-Điều khiển, một trong những lĩnh vực công nghệ cao mà đất nước ta đang cần để cạnh tranh với quốc tế. Tuy nhiên, qua đây cũng thấy các nhà khoa học còn nhiều trăn trở về kết quả nghiên cứu của mình. Các bộ ban ngành cần hỗ trợ tích cực để đáp ứng ngày một tốt để Nhà nước và các nhà khoa học cùng được thụ hưởng kết quả của mình, ví dụ tăng cường các quỹ đầu tư, hỗ trợ cho họ hoạt động theo đúng năng lực chuyên ngành của họ, đặc biệt trong lĩnh vực tự động hóa.

vica5Giáo sư Victor Glazunov - Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga

Đến với Hội nghị VCCA 2011 tôi thấy cách thức tổ chức của các bạn rất tốt. Tiêu chí và mục đích của hội nghị rất có ý nghĩa cho sự phát triển lĩnh vực Tự động hóa và Điều khiển của Việt Nam. Tôi hăng hái tham gia vào hội nghị này và mong muốn có nhiều đóng góp hơn nữa để tạo điều kiện cho những nghiên cứu sinh của Việt Nam tiếp tục phát triển trong lĩnh vực Tự động hóa. Tôi đã nghiên cứu sự phát triển lĩnh vực Tự động hóa của Việt Nam 12 năm, đã có 3 học trò Việt Nam bảo vệ luận án tiến sĩ thành công tại Nga và họ đang làm việc tại chính quê hương mình. Hiện tại tôi đang có 3 học trò nữa, và tôi rất muốn dồn tâm huyết cho việc đào tạo tiến sĩ của Việt Nam về ngành này. Tôi có cảm nhận ngành Tự động hóa của Việt Nam phát triển rất nhanh. Hy vọng VCCA những lần sau tôi vẫn có mặt, và hội nghị này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các nghiên cứu sinh hơn nữa.

vica6Nguyễn Thị Mai Hương - Khoa Sau đại học-Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên

Với VCCA 2011 mình nghĩ rằng sẽ thu được rất nhiều kết quả về mặt khoa học, từ đó để học hỏi những kinh nghiệm triển khai trong công tác giảng dạy cũng như hướng dẫn các sinh viên của mình. Đây là hội nghị rất bổ ích với bản thân mình và những người làm trong ngành Tự động hóa. Hội nghị được tổ chức rất khoa học, mặc dù là lần đầu tiên nhưng mình đã thấy được tính chuyên nghiệp của hội nghị. Kể từ khi khởi động chương trình đến giờ mình thấy rất thoải mái và thấy hội nghị thu hút được sự quan tâm của giới khoa học. Đây là một sự khởi đầu tốt cho những VCCA sau này.


vica7Nguyễn Thành Trung - Viện Kỹ thuật Điện tử và Cơ khí nghiệp vụ - Bộ Công an

 

Cá nhân tôi thấy rằng Hội nghị này có ý nghĩa to lớn, giúp cho các nhà khoa học trẻ có điều kiện nghiên cứu về Điện tự động, điện tử, các ngành liên quan đến kỹ thuật như viễn thông, điện tử, cơ khí có cơ hội để phát triển nghiên cứu, có quá trình tiếp cận KHCN thông qua các nghiên cứu của các nhà khoa học khác để học hỏi và có định hướng nghiên cứu trong tương lai. Bản thân tôi là chiến sĩ công an, nhưng là công an kỹ thuật nên cũng như các nhà khoa học khác, đây là dịp cho các chiến sỹ làm trong lĩnh vực KHKT học hỏi, nghiên cứu để đưa ra những ý tưởng, sản phẩm của mình triển khai ứng dụng được trong ngành và có thể mở rộng ra ngoài xã hội. Chắc chắn tôi sẽ tiếp tục tham gia hội nghị VCCA 2013.

 

Nguyễn Văn Khánh - Lớp Đào tạo tài năng ngành Điều khiển Tự động, ĐH Bách khoa Hà Nội

vica8Là sinh viên năm cuối đang làm đồ án tốt nghiệp nên em đến với Hội nghị VCCA 2011 để tìm hiểu một số nội dung có liên quan đến đồ án của mình. Nhân đây em cũng muốn tìm hiểu về xu hướng của lĩnh vực Tự động hóa-Điều khiển của Việt Nam và thế giới để định hướng nghề nghiệp cho mình.

Đối với sinh viên, hội nghị VCCA rất quan trong trong việc định hướng tương lai  cũng như cập nhật kiến thức. Em cho rằng, sinh viên có thể học cách viết bài báo cáo qua hội nghị, thậm chí có thể tìm hiểu cơ hội đi học nước ngoài. Bản thân em chưa tham gia nhiều hội nghị nhưng em thấy VCCA 2011 đã tập hợp được các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam là rất tốt. Trong những hội nghị tiếp theo, với riêng em hy vọng sẽ được tham gia và có đóng góp công sức. Ngành Tự động hóa-Điều khiển của nước nhà còn chưa phát triển mạnh, em mong là VCCA dần sẽ giúp cho lĩnh vực này trong tương lai chiếm thị phần lớn hơn và cạnh tranh được với thế giới.